Uống nước thế nào là quá nhiều? Chuyên gia tiết lộ con số không phải ai cũng biết
Mục lục nội dung
Dưới đây, các chuyên gia chia sẻ những rủi ro khi cơ thể phải tiếp nhận quá nhiều nước trong thời gian ngắn và đưa ra khuyến nghị về lượng nước bạn nên uống mỗi ngày.
Chắc hẳn bạn đã quá quen với những lời khuyên đại loại như: “Da bạn khô ư? Hãy uống thêm nước, có thể bạn đang bị mất nước đấy. Bạn cảm thấy không khỏe ư? Có thể uống nhiều nước sẽ giúp bạn khá hơn. Bạn ngủ không ngon ư? Hãy bổ sung lượng nước uống trong ngày….”
Do đó, không lạ khi một số người cố gắng uống tám cốc nước mỗi này vì họ cho rằng như vậy mới cung cấp đủ nước cho cơ thể.
Không thể phủ nhận nước là một phần thiết yếu đối với cơ thể con người, mất nước có thể dẫn đến đến nhiều hệ lụy về sức khỏe. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể uống quá nhiều nước . Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy bạn uống nhiều nước hơn so với nhu cầu của cơ thể, những rủi ro liên quan đến tình trạng dư nước và cách điều trị.
Uống quá nhiều nước có sao không?
Christina Lang, Bác sĩ nội khoa kiêm Bác sĩ nhi khoa tại UCHealth, một hệ thống chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận tại Mỹ, chia sẻ: “Thận có thể bài tiết tới 28 lít chất lỏng trong một ngày, nhưng chỉ bài tiết được một lít chất lỏng mỗi giờ. Uống nhiều hơn mức này có thể dẫn tới nhiễm độc nước và mất cân bằng điện giải”.
Theo bác sĩ y khoa Natasha Trentacosta, Chuyên gia y học thể thao kiêm Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Viện Cedars-Sinai Kerlan-Jobe, Los Angeles, tình trạng dư thừa nước của cơ thể thường thấy ở các vận động viên. Khi họ uống quá nhiều nước, natri trong cơ thể bị loãng ra, từ đó dẫn đến tình trạng hạ natri máu (nồng độ nari trong máu thấp hơn bình thường).
Theo bác sĩ Trentacosta, những người mắc một số bệnh về thận có thể bị dư nước ngay cả khi không uống quá nhiều nước do thận của họ không thể điều chỉnh được sự bài tiết nước trong nước tiểu.
Bác sĩ Trentacosta chia sẻ: “Thông thường, tuyến yên, thận, gan và tim cùng hoạt động nhằm đảm bảo cơ chế bài tiết nước cho cơ thể, chúng có thể bài tiết một lượng lượng lớn nước, lên đến gần 23 lít. Tuy nhiên, nếu bất kỳ cơ quan nào trong số này bị rối loạn chức năng, cơ thể sẽ không thể tiếp nhận và xử lý một lượng nước lớn như vậy.”
Nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Theo bác sĩ Trentacosta, cơ thể sẽ được cấp nước đầy đủ khi bạn uống khoảng 0,9-1,5 lít nước mỗi ngày, và lượng nước này nên được chia đều ra cả ngày. Vị bác sĩ này lý giải: “Nước được cung cấp cho cơ thể từ đồ uống nhưng cũng có thể từ đồ ăn nhẹ chứa nhiều nước như trái cây và rau củ”. Nước tiểu của những người được cấp nước đầy đủ thường có màu nhạt và trong.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều nước
Theo bác sĩ Lang, cơ thể thừa nước có các dấu hiệu phổ biến sau: lú lẫn, mất phương hướng, buồn nôn và nôn mửa. Nghiêm trọng hơn, dư nước còn có thể khiến bạn bị chuột rút, suy nhược, tăng huyết áp, song thị và khó thở.
Chính xác thì điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn tiếp nhận quá nhiều nước? Bác sĩ Trentacosta giải thích: “Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng dư nước là kết quả của việc các chất điện giải bị pha loãng. Não nhạy cảm với những thay đổi của nồng độ natri trong máu, do đó hạ natri máu có thể dẫn đến trạng thái hôn mê hoặc thay đổi tâm lý.”
Kết
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng đã liệt kê ở trên, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ ngay lập tức. Não của bạn nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng khi nồng độ natri trong máu hạ xuống.
(Theo Real Simple) – Vũ Trang – https://doanhnghieptiepthi.vn/uong-nuoc-the-nao-la-qua-nhieu-chuyen-gia-tiet-lo-con-so-khong-phai-ai-cung-biet-161222601094816672.htm
St: Nguyễn Viết Thắng
khỏe hơn – mạnh hơn – đẹp hơn – giàu hơn – hạnh phúc hơn
ĐĂNG KÝ NHẬN QUÀ
Vui lòng điền chính xác email ở bên dưới để nhận thông báo bài viết mới.
thông tin của bạn được 100% bảo mật...