Bi kịch đầu tư bất động sản theo cơn sốt, bỏ đống tiền 10 năm giờ vẫn lỗ

Rate this post

Bi kịch đầu tư bất động sản theo cơn sốt, bỏ đống tiền 10 năm giờ vẫn lỗ

 

Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc sa lầy đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu “mua đỉnh bán đáy”.

 

Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc sa lầy đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu “mua đỉnh bán đáy”.

 

Nhà đầu tư lãnh hậu quả khi lao vào “sốt” đất

Nhiều khu vực vùng ven Hà Nội đã trải qua các đợt sốt và tăng giá. Mới đây nhất là các đợt sốt ở Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì…, giá bất động sản tăng dựng đứng. Cách đây cả chục năm là những cơn sốt ở Hà Đông, Sóc Sơn…

 

Hầu hết khi rót tiền vào các khu vực này, đa phần nhà đầu tư kỳ vọng “ăn theo” hạ tầng hoặc dự án lớn hoặc sự chuyển biến khi nâng cấp từ huyện, thị xã lên quận. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

 

Không ít người giàu lên nhờ đất. Tuy nhiên cũng khá nhiều cuộc “sa lầy” đến cả chục năm nay chưa rút được chân vì đầu tư kiểu “mua đỉnh bán đáy”, nhảy vào thị trường lúc sốt nóng nhất.

 

Kể lại câu chuyện mua đất cách đây hơn chục năm, chị Nguyễn Thị Miên (Hà Đông) nhớ lại: Thời điểm đó, khi có thông tin Hà Đông lên quận, đất sốt hầm hập. Lúc đó chị cùng người bạn gom góp được một khoản tiền cùng mua chung miếng đất khoảng hơn 60 m2 khu vực Đồng Mai với giá hơn 20 triệu đồng/m2.

 

Tuy nhiên do không tính toán kỹ, giao dịch diễn ra khá vội vàng vì sợ “không mua sẽ mất cơ hội” nên sau này, miếng đất này giao dịch rất khó khăn vì xa xôi, hạ tầng tiện ích không phát triển, lối vào ô tô không qua được.

 

“Sau này tôi phát hiện “dính” quả lừa khi bị đội cò cài cắm người hỏi mua như thật, làm náo loạn thị trường khiến tôi xuống tiền rất nhanh. Sau đó khi thị trường hạ nhiệt, mảnh đất giờ vẫn còn nguyên đó vì giá xuống thấp quá, chúng tôi không muốn bán. Bây giờ bán cũng vẫn không bằng giá mua vào khi xưa, chưa kể ngần ấy thời gian đồng tiền mất giá”, chị Miên kể lại chuyện đầu tư đáng nhớ.

 

“Trái ngang” không kém, chị H.T – một nhà đầu tư bất động sản không chuyên cũng “đắp chiếu” một lô đất ở Sóc Sơn. Năm 2011 chị quyết định xuống tiền mua miếng đất gần 70 m2 tại khu vực Tân Trại, Sóc Sơn. Thời điểm bấy giờ chị mua với giá đỉnh là 11 triệu đồng/m2. Sau cả chục năm, giá miếng đất này hiện vẫn chỉ được giới môi giới định giá ở mức dưới 11 triệu đồng/m2. Miếng đất này của chị T. tuy vuông vắn nhưng lại nằm sâu trong ngõ bé, ô tô không đi vào được nên khó “thoát hàng”.

 

Thời điểm đầu năm 2011, bất động sản ở khu Sóc Sơn cũng trải qua đợt sốt hầm hập kéo dài khoảng 2 tháng, khi thông tin các trường đại học, cao đẳng sẽ di dời đến đây được lan truyền. Cùng với đó là thông tin về dự án sân golf quốc tế đang triển khai và tuyến đường 35 mở rộng…

 

Dù mới chỉ nghe “phập phồng” thông tin nhưng nhiều người dân lao vào đầu tư. Nhu cầu tăng vọt, giá cả cứ theo “trèo” lên vù vù. Trong một thời gian ngắn, đất tại một số xã đắt gấp 2-3 lần so với cuối 2010, kể cả loại chưa có sổ đỏ. Thời điểm cuối 2010, giá đất những khu vực này chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng mỗi m2, sau hai, ba tháng đã lên tới 8-12 triệu đồng. Nhiều nơi gần đường lớn lên tới 18-32 triệu đồng, ngang ngửa đất ven nội thành Hà Nội.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, cơn sốt đất Sóc Sơn nhanh chóng đi vào vết xe đổ của các cơn sốt trước đó trên thị trường Hà Nội. Nhà đầu tư nhanh chóng vỡ mộng khi ôm đất ở khu vực này. Nhiều nhà đầu tư sau chục năm vẫn mắc kẹt.

 

Nếu chỉ chăm chăm hưởng lợi từ việc lên giá đất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế

Kết thúc đợt sốt đất những tháng đầu năm vừa qua, Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, nhiều nhà đầu tư cũng lãnh hậu quả.

 

“Tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông… đã đẩy nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chịu hậu quả. Nhiều hiện tượng rao bán cắt lỗ, giảm giá diễn ra trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản cho hay.

 

Đại diện Hội môi giới cho biết, nhà liền kề chủ yếu ở Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng. Ngoài ra, giá đất tại các dự án ở Đông Anh, Gia Lâm chững lại và giữ mức giá như cuối quý I mặc dù giao dịch thấp.

 

Bên cạnh đó, giá đất một số khu vực có hiện tượng sốt đất như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Hoài Đức… đã có dấu hiệu sụt giảm, thể hiện qua thông tin chào bán trên thị trường. Tuy nhiên, theo Hội môi giới, dù vậy cũng không xuất hiện giao dịch thực.

 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua khiến giá đất bị đẩy lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời.

 

TS. Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, đây là một vấn đề rất cần sự quan tâm của các cấp quản lý. Việc quy hoạch hợp lý và đề cao tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn khi đa phần người dân ở đây thiếu tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy và phổ quát, sẽ giúp cho việc tránh xảy ra những bong bóng nhà đất.

 

“Đồng thời nếu nhìn từ góc nhìn vĩ mô hơn, thì việc mọi người chỉ tập trung vào hưởng lợi từ việc lên giá đất mà không chú trọng đến việc tăng giá trị thặng dư từ lao động sản xuất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế”, ông Khương nhận xét.

 

Nhìn chung theo ông Khương, hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính. Đồng thời đối với những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm nào đã dùng đến đòn bẩy kinh tế thì họ rất có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kỳ vọng và gánh nặng tài chính quá lớn. Về lâu dài, nền kinh tế vĩ mô và xã hội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi người không còn chú trọng đến việc lao động sản xuất. Vì thế người dân cần được nâng cao nhận thức để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ và tạo ra những cơn sốt ảo.

 

(Theo dantri.com.vn, ngày 19/8/2021)

 


ĐĂNG KÝ NHẬN QUÀ

Vui lòng điền chính xác email ở bên dưới để nhận thông báo bài viết mới.


    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.