Anlux – ‘Cái chết’ của một nhà hàng

Rate this post

‘Cái chết’ của một nhà hàng

Quán ăn tôi thường lui tới ở Đà Nẵng – hai tầng, rộng chừng 300 m2 – bỗng ngừng hoạt động. Tôi không khỏi buồn bã khi nhìn thấy tấm biển sang nhượng và biết được kết cục này.

 

Bên trong mỗi doanh nghiệp là một câu chuyện về con người. Đi đến kết thúc chúng ta nhận ra những điều đã không nhìn thấy khi khởi sự.

 

Từ câu chuyện này, tôi muốn viết về tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Không phải chuyện kinh doanh của những công ty lớn, đa quốc gia, mà là chuyện của những quán xá và dịch vụ nhỏ lẻ quanh ta, đặc biệt là mô hình một người sở hữu và điều hành toàn bộ.

 

Một nghiên cứu của Liên minh châu Âu năm 2021 đánh giá rằng “khu vực này đã tăng trưởng ngoạn mục” trong 30 năm qua. Khá khó định nghĩa “doanh nghiệp vừa và nhỏ” một cách chính xác nhưng nghiên cứu của EU viện dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê rằng có 758.610 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Để so sánh, một số liệu khác từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trước Covid của Việt Nam vào khoảng 900.000.

 

Dù con số doanh nghiệp có thể thay đổi theo cách định nghĩa, thực tế các hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ cực kỳ quan trọng đối với kinh tế – xã hội Việt Nam. Nhưng chúng ta biết gì về những điều đã xảy ra với họ, và sự xuất hiện – biến mất của các doanh nghiệp này có ý nghĩa như thế nào?

 

Đây là câu chuyện về một doanh nhân đơn độc, từ Vinh tới Đà Nẵng, mang theo giấc mơ mở một nhà hàng ven biển Mỹ An. Tôi quen Liên (tên nhân vật đã được thay đổi) vào những tháng cuối năm 2022, và dần ấn tượng với cách cô gần như một mình vận hành hoạt động kinh doanh. Liên nhận được một ít trợ giúp từ mẹ và em trai. Ông anh trai kiến trúc sư “sẵn có” trong nhà cũng giúp em gái cải tạo căn nhà thuê thành không gian nhà hàng, thậm chí tự đóng bàn ghế cho cô. Nhưng Liên đứng bếp, làm phục vụ và rửa bát đĩa mỗi ngày. Cô tự học tiếng Anh, học cách nấu những món mà người Tây thích. Cô cũng là người, ngay trước đại dịch, ký tên vào khoản vay, để có tiền mở tiệm.

 

Trước khi tôi kể tiếp, hãy nói đôi chút về doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ luôn là đối tượng dễ tổn thương nhất khi có các thay đổi trong môi trường xung quanh, và các thay đổi này luôn không thể dự báo. Những người điều hành doanh nghiệp cũng phải “đoán”, nghĩa là cố tiên liệu xem mọi thứ rồi sẽ đi tới đâu. Đó là một trong các lý do không có cách gì hiệu quả để ngăn chặn việc các doanh nghiệp này cứ mở ra rồi lại đóng cửa.

 

Là người ngoài cuộc, tôi thấy rõ Liên không có đủ khách tới ăn mỗi ngày. Liệu cô có tiên liệu nào khác không? Cô đánh cược vào con đường trở thành người làm chủ ngay trước Covid, ký giấy vay vốn trong năm 2020 và suốt nhiều tháng sau, nhà hàng để trống do phong tỏa trong khi vẫn phải trả tiền thuê. Từ một góc độ nào đó, quyết định sang nhượng lại nhà hàng của Liên vào tháng 11 này là hệ quả muộn của đại dịch.

 

Tôi không nghĩ chúng ta nên phản đối quyết định khởi nghiệp của Liên. Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà kinh tế nổi bật bao gồm cả những người đoạt giải Nobel như Daniel Kahneman đã nhấn mạnh rằng hầu hết các quyết định kinh tế đều không được đưa ra thông qua sự đánh giá rõ ràng về mục tiêu và rủi ro. Hơn thế, các quyết định được xác lập trong một “khí quyển” thông tin không đầy đủ. Việc đã rồi, phán xét thì dễ. Nhưng trước khi làm, mọi chuyện không dễ như vậy.

 

Vì vậy, thay vì giới hạn các câu hỏi ở chỗ chủ doanh nghiệp nên làm gì, tốt hơn nên giúp họ ra quyết định trong điều kiện thông tin không đầy đủ. Liên hẳn đã rất hào hứng khi lần đầu mở đồ bếp núc và các thiết bị nhập cho nhà hàng, hẳn cô đã đầy năng lượng khi lướt Internet tìm những công thức nấu ăn và tự mình tập nấu từng món; hẳn cô đã rất vui vào một ngày đông khách, và đã lạc quan khi có vẻ quá trình phục hồi sau đại dịch đang diễn ra. Tôi không muốn nghĩ tới cảm giác của cô vào ngày cuối cùng, khi thu dọn đồ đạc lần cuối.

 

Các quyết định khởi nghiệp ở cấp độ cá nhân thường bị pha trộn giữa đánh giá khách quan và những cảm giác rất chủ quan như vậy. Để đưa ra một vài khuyến nghị thay đổi, nên nhìn sự thăng trầm của các hoạt động kinh doanh vừa và nhỏ dưới con mắt học thuật một chút. Tôi có một số suy nghĩ.

 

Thứ nhất, số liệu trong lĩnh vực này nếu được thu thập và công bố càng cụ thể càng có giá trị. Số liệu có thể đánh giá hoạt động kinh doanh theo từng ngành nghề, khu vực, độ tuổi, giới tính của chủ doanh nghiệp… Việt Nam không rõ đã thu thập số liệu này hay chưa, nhưng tôi không thể tìm thấy. Những khái quát rộng chỉ giúp một phần, càng có dữ liệu cụ thể chi tiết, người sắp khởi nghiệp càng hiểu rõ hơn những gì đã diễn ra với hoạt động kinh doanh nhỏ ở Việt Nam.

 

Thứ hai, tôi nghĩ một người khởi nghiệp như Liên có thể hưởng lợi từ những hội thảo cung cấp thông tin về vốn vay, thuế, kiến thức thuê mướn bất động sản. Có thể ngân hàng và chính quyền địa phương cùng phối hợp với các đại học để tổ chức những buổi như vậy.

 

Thứ ba, các chủ thể kinh doanh trong các lĩnh vực nên thảo luận thường xuyên hơn, đặc biệt trong nhóm những người sống ở cùng địa phương, cùng thành phố. Nhiều nhóm người cùng thảo luận từ nhiều góc độ có thể tạo ra nhiều cơ hội tương tác hiệu quả hơn giữa người khởi nghiệp và cộng đồng xung quanh.

 

Cuối cùng tôi nghĩ là quan trọng nhất, kinh doanh có thăng có trầm. Không có giải pháp nào ngăn được thực tế này. Ở Mỹ, chỉ 20% nhà hàng sống được tới năm thứ năm và đó là số liệu khi chưa có đại dịch. Các doanh nghiệp biến mất nhưng chủ doanh nghiệp có tinh thần kinh doanh, dám nắm bắt cơ hội vẫn còn đó. Hầu hết doanh nhân đều trưởng thành hơn nhờ những gánh nặng họ dám gánh vác và lòng dũng cảm họ đã thể hiện.

 

Liên chưa biết sẽ làm gì tiếp, nhưng những người như cô là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia này. Họ có được những kỹ năng thiết yếu từ những nỗ lực và xứng đáng được tạo cơ hội để thành công.

 

David Pickus

Nguồn: https://vnexpress.net/cai-chet-cua-mot-nha-hang-4677508.html


ĐĂNG KÝ NHẬN QUÀ

Vui lòng điền chính xác email ở bên dưới để nhận thông báo bài viết mới.


    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.